Home / DU HOC SINH VIỆT NAM, CỐ LÊN! _ TRẢI NGHIỆM DU HỌC CỦA BẠN LÊ TỰ NHẬT MINH, CỰU DU HỌC SINH ĐH SAXION, HÀ LAN

DU HOC SINH VIỆT NAM, CỐ LÊN! _ TRẢI NGHIỆM DU HỌC CỦA BẠN LÊ TỰ NHẬT MINH, CỰU DU HỌC SINH ĐH SAXION, HÀ LAN

DU HOC SINH VIỆT NAM, CỐ LÊN! _ TRẢI NGHIỆM DU HỌC CỦA BẠN LÊ TỰ NHẬT MINH, CỰU DU HỌC SINH ĐH SAXION, HÀ LAN

Tại sao em lại quyết định du học, và chọn ngành học như thế nào?

Quyết định của em đến Hà Lan học đại học bắt đầu cũng khá đơn giản. Em tốt nghiệp cấp 3 ở nước Mỹ, vì học phí đại học ở Mỹ rất đắt nên em phải chọn một phương án tiết kiệm hơn. Học phí ở châu Âu đa số rẻ hơn Mỹ rất nhiều và đồng thời em có thể ở gần chị hai đang làm việc tại Luxembourg. Hà Lan là đất nước nói tiếng Anh phổ biến và có ngành công nghiệp sáng tạo khá phát triển nên em quyết định đến đây. Lúc đó em không suy nghĩ quá nhiều, chỉ biết đơn giản rằng em muốn làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất truyền thông như điện ảnh hay âm nhạc. Trong 4 trường và 4 ngành em nộp đơn thì em có duyên được nhận học bổng 75% của đại học Saxion với ngành “Creative Media & Game Technologies” (Truyền thông sáng tạo và Công nghệ Game). Vì là gói học bổng cao nhất em được nhận nên em đã chọn đến Saxion. Cuối cùng đến bây giờ em rất là biết ơn quyết định đó của mình vì em nhận ra đây chính xác là thứ làm em vui. Đúng là cuộc sống có nhiều cơ duyên rất hay ha!

            Hiện tại em đang làm việc với chuyên môn chính là một hoạ sĩ 3D, tập trung vào khâu Animation (diễn hoạt) cho nhân vật hoặc môi trường, có thể được dùng trong ngành công nghiệp điện ảnh hoặc video game. Nói nhỏ một thông tin khác, ước mơ xa sau này của em là có thể trở thành đạo diễn cho phim hoạt hình ;)

Việc sống và học tập tại Hà Lan điều gì làm em cảm thấy hài lòng nhất?

            Những trải nghiệm tốt và không tốt trong quá trình sinh sống và học tập ở Hà Lan đều thú vị. Chắc là ở đâu cũng vậy. Để định nghĩa về cảm giác hài lòng thì em nghĩ em sẽ hài lòng sau tất cả mọi thứ tụi em được trải qua ở đây. Bên cạnh các trải nghiệm đẹp thì em tin những trải nghiệm khó khăn là điều giúp cho đa số các bạn du học sinh trưởng thành và học hỏi nhiều nhất.

            Để nêu một điểm tốt nổi bật của Hà Lan thì em rất thích sự công nghệ hoá trong cuộc sống ở đây. Từ việc thanh toán bằng thẻ tín dụng ở chợ trời, tra cứu thông tin, hệ thống hoá tiện ích của thành phố và nhà cửa, đến việc làm các thủ tục pháp lý và liên lạc với chính phủ qua internet đều được thiết lập khá tiện lợi và thông minh. Văn hoá của con người Hà Lan đa số khá nhẹ nhàng, vui vẻ và hiền lành. Họ không quá niềm nở như người Việt Nam, nhưng họ giao tiếp và giúp đỡ vừa đúng mực. 

            Để tự thiết lập cuộc sống ở đất khách quê người thì du học sinh Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thứ, tìm kiếm nhà thuê ở Hà Lan rất khó khăn, phúc lợi xã hội hạn chế cho người ngoại quốc , rào cản ngôn ngữ, phân biệt chủng tộc, … Hoàn cảnh của mỗi bạn đương nhiên khác nhau, và điều kiện xấu thì lúc có, lúc không, nhưng những thử thách có thể là việc không tránh khỏi. Thường thì sau khi vượt qua những khó khăn này, ai cũng trở nên giỏi giang và sáng suốt hơn.

 

 

Kinh nghiệm em có thể chia sẻ, để các bạn có thể biết và có thể chuẩn bị hành trình du học của mình tốt hơn.

 

            Về việc chia sẻ kinh nghiệm cho các kĩ năng mềm, sắp xếp cuộc sống hay việc đi học ở trường, em nghĩ em không cần phải đề cập nhiều nữa vì chắc chắn gia đình, công ty tư vấn và các bạn cũng tự trao đổi với nhau rất nhiều rồi, thậm chí các bạn có thể tìm kiếm trên internet cũng có rất nhiều công cụ hỗ trợ. Em không biết phải nói gì hơn những điều thường tình. Nhưng em có thể chia sẻ vài điều em tâm đắc nhất mà trước đây em chưa từng được mọi người nhắc nhở hay chưa thấy ai chủ động trang bị cho du học sinh, ít nhất là trong kinh nghiệm của em.

 

  • Niềm tự tôn dân tộc: Trước đây đi học ở nhà thì tụi em có nhiều sự thoải mái hơn, làm gì nói gì cũng có người khoan dung bảo bọc. Từ giây phút tụi em bước chân ra thế giới, tên quốc gia sẽ đứng trước, tên mình đứng sau. Bất cứ điều gì tụi em làm cũng sẽ được nhắc đến dưới danh nghĩa của đất nước. Em đã nhận ra điều đó từ rất sớm, bởi vậy nên em luôn quyết tâm cho dù có làm gì cũng phải thể hiện cho bạn bè rằng người Việt Nam rất giỏi, không những học giỏi mà cái gì cũng phải giỏi. Trong môi trường đi học hay đi làm, mọi người khi nhắc về tụi em sẽ hay nói là “bạn Việt Nam đó..” thay vì tên thật của mình. Vì vậy, từ khi em giữ trong mình niềm tự tôn của Việt Nam, bất cứ việc gì em làm cũng đều với quyết tâm mãnh liệt nhất, và việc làm đó tự động trở nên đúng. Có một thông tin khá buồn em được nghe từ vài bạn bè quốc tế rằng người Việt Nam có uy tín không cao trong mắt họ, do các định kiến về người Việt Nam hay gian lận khi làm việc và học tập, hoặc không chấp hành quy định, hoặc giao tiếp kém, … Những điều đó được tạo nên bởi các ví dụ xấu từ một thành phần nhỏ. Em nghĩ điều này rất đáng được quan tâm. Thế hệ các bạn nhỏ bây giờ càng ngày càng giỏi, phải càng sống đẹp và giỏi hơn nữa, để đến một ngày các nước trên thế giới nghe tên Việt Nam phải ngưỡng mộ chào đón, thay vì những quyền lợi cá nhân tạm bợ mà ảnh hưởng đến tiếng tăm của dân tộc.

 

  • Bình tĩnh, từ từ, chọn bạn mà chơi: Khá nhiều các bạn khi mới vừa đến một môi trường xa lạ thì sẽ sợ phải ở một mình, sợ cô lập nên khá hấp tấp phải có bè có bạn. Tất nhiên, mở rộng mối quan hệ là điều thiết yếu, chúng em cũng không khép kín và đóng cửa bản thân, vì thời gian ở đại học là cơ hội vàng để học sinh kết nối những mối quan hệ ý nghĩa. Mọi người gặp nhau đều do duyên, nhưng gió tầng nào gặp mây tầng đó, khi chúng em bình tĩnh tiếp xúc với mọi người và dành thời gian để phát triển bản thân, chắc chắn sẽ gặp được những người bạn phù hợp. Lựa bạn mà chơi ở đây không phải em kén chọn và xa cách những người không phù hợp với mình, đơn giản là khi chúng em không có các giá trị sống giống nhau thì chưa đến lúc kết nối được với nhau. Đối với ai, mọi người cũng phải giữ một tinh thần khiêm nhường và tích cực, đó là cách xây dựng đời sống xã hội lành mạnh.

 

  • Có nhiều hơn 1 câu trả lời đúng: Trên con đường mình đi, sẽ có rất nhiều ý kiến và định kiến trái chiều từ bất cứ ai ở xung quanh về bất cứ việc gì mình làm. Để sống và học tập tự lập, du học sinh phải đưa ra rất nhiều lựa chọn và quyết định, đôi lúc đúng, đôi lúc sai. Tham vấn ý kiến những người khác cũng là một cách hỗ trợ, nhưng tham vấn làm sao để đừng đánh mất bản thân. Đôi lúc, tiếp nhận góc nhìn mới giúp cho chúng em nhận ra nhiều cách làm sáng suốt hơn, nhưng đôi lúc nó có thể đưa mình vào trạng thái nguy hiểm, là sợ hãi. Sẽ có nhiều người nói cách của mình là sai, phải làm như họ mới là đúng. Đúng với họ không có nghĩa là đúng với mình; và ngược lại, đúng với mình cũng chưa chắc đúng với người khác. Việc đối mặt liên tục với ý kiến trái chiều cũng có thể làm lập trường của chúng em lung lay, nếu bản lĩnh không đủ vững. Trong môi trường đa văn hoá như ngày nay, em phải học cách đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của mọi người. Khi chúng em bắt đầu mở lòng và hạ cái tôi xuống, tầm mắt được mở mang rất nhiều mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được. Nhưng làm sao để phân biệt được đúng sai và giữ lập trường mạnh mẽ? Một lần nữa quay lại vấn đề phát triển bản thân và rèn giũa bản lĩnh. Trước khi làm gì, cẩn thận nghiên cứu kĩ thông tin và hoàn cảnh là một việc hiển nhiên. Em phải luyện tập rất nhiều để có thể nghe theo cảm giác của bản thân, bình tĩnh trước đánh giá của người khác. Cái gì mình cảm thấy thoải mái và tin là tốt thì mình làm, quan trọng nhất là giữ niềm tin đó cho đến cuối con đường. Đúng là kết quả không phải khi nào cũng như mong muốn, nhưng em nhận ra rằng ‘phải tin rồi mới thấy’ chị ạ, chứ không phải đợi đến lúc ‘thấy rồi mới tin’. Những kết quả có thể tệ, cảm xúc và trái tim của mình có thể đau, nhưng nó trở thành kinh nghiệm xương máu và bài học quý giá mà mình có thể khó có được nếu đi trên con đường trải hoa hồng.

 

  • Sức khoẻ tinh thần: Một trong những vấn đề phổ biến của du học sinh là sức khoẻ tinh thần không ổn định, vì các bạn phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau cùng một lúc ngay ở độ tuổi mới lớn: tài chính, học tập, công việc, gia đình, xã hội, bạn bè … Nếu như bạn nào tự đặt thêm lên vai bản thân áp lực phải đạt được vô số các tiêu chuẩn hàng đầu nữa thì cuộc sống sẽ nặng nề hơn. Em đã tiếp xúc với nhiều trường hợp chịu đựng các tổn thương tâm lí vì các lí do này. Đương nhiên, hoàn cảnh mỗi người khác nhau nên cũng có nhiều bạn du học sinh không gặp phải vấn đề như em đang đề cập. Nhưng thực trạng này diễn ra khá nhiều, và em tin là nó đáng được quan tâm hơn cho các thế hệ học sinh về sau, rút kinh nghiệm từ thế hệ trước. Nhắc đến việc này không phải để nêu lên một điều tiêu cực. Khi có nhận thức về điều này thì mọi người cũng đối mặt với nó một cách thân thiện và nhẹ nhàng hơn. Ai cũng biết nên giữ sức khoẻ thể chất, nhưng ngoài ra, tự chăm sóc cho sức khoẻ tinh thần cũng là điều tối quan trọng khi du học sinh phải tự lập cho cuộc sống của mình.

Em nhận ra cuộc sống của chúng em không chỉ xoay quanh những con điểm số cao, bằng cấp, tiền bạc, hình ảnh hoàn hảo không tì vết, … Con người của mỗi bạn học sinh thú vị và hay ho hơn thế rất nhiều. Mối quan hệ, tình cảm, phẩm chất, nhân cách, hoạt động thiện nguyện, phong cách sống, tài năng, cá tính, gu thẩm mỹ, văn hoá, cách giao tiếp, sở thích, … tất cả những điều này phải được tôn vinh bởi bản thân bạn và gia đình để không một học sinh nào đánh mất cơ hội được phát triển và thể hiện bản thân, không ai phải chịu đựng những tổn thương về tâm lí khi bị áp đặt các tiêu chuẩn của người khác.

 

Du học sinh Việt Nam, cố lên : )

 

News & Event